Ad Code

Responsive Advertisement

Vì sao có thể lấy hình người khác làm NFT?

Vì sao có thể lấy hình người khác làm NFT? Tôi thấy có nhiều người rao bán NFT là hình ảnh của người nổi tiếng với giá cả nghìn USD, dù họ không chụp những bức ảnh đó.

NFT (Non-fungible token) là những tài sản số được sinh ra với mục đích sưu tầm. Nhưng gần đây, tôi thấy có tình trạng nhiều bức hình của người nổi tiếng, KOL trên mạng xã hội... cũng được tạo thành hàng chục NFT giống nhau, trong đó có NFT được rao bán với giá hàng chục nghìn USD.




Những NFT đó có giá trị gì không và tại sao có thể dùng hình của người khác làm NFT như vậy?

Vấn đề bản quyền hình ảnh trên các sàn như OpenSea gây nhiều tranh cãi khi không yêu cầu chứng minh quyền sở hữu nội dung số.

Mức giá rao bán của các NFT cũng do người bán tự đặt giá. Hiện chưa có sàn giao dịch nào ra quy định khống chế về giá, nên nhiều NFT được đặt giá cao nhằm tạo sự quan tâm.

Giá trị của một NFT rất vô chừng, nhưng vẫn có công thức định giá và tuân theo các quy tắc của thị trường. Trong đó có ba tham chiếu cơ bản là độ hiếm của tác phẩm, giá trị tiện ích và tính hữu hình của tài sản NFT.

Cụ thể, độ hiếm của NFT nghệ thuật nằm ở việc nếu một nghệ sĩ nổi tiếng nào đó không còn sáng tác thêm, tác phẩm NFT đó sẽ đắt giá. Về giá trị tiện ích, một NFT có thể được ứng dụng cả ngoài đời lẫn trong thế giới số, như thẻ bài, nhân vật trong game NFT, không chỉ để sưu tập mà có thể giao dịch, quy đổi ra tiền thật. Giá trị này tùy thuộc vào độ uy tín, tiềm năng dự án và quy mô cộng đồng tham gia. Cuối cùng là tính hữu hình của tài sản. Một số NFT được liên kết với những nhân vật, tổ chức ngoài đời và mang lại giá trị hữu hình. Ví dụ điển hình của tham chiếu này Crypto Punks, Crypto Kitties, BAYC...

Trong trường hợp các NFT ảnh ông Trịnh Văn Quyết hay những người nổi tiếng được rao bán gần đây, độc giả có thể căn cứ vào các tiêu chí trên để định giá cho NFT.

Về tính hợp pháp của việc lấy hình người khác làm NFT, mỗi quốc gia có quy định cụ thể riêng, nhưng nhìn chung việc sử dụng ảnh của người khác khi chưa có ý kiến của họ là vi phạm pháp luật. Cụ thể tại Việt Nam, điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định muốn sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích thương mại phải xin phép và trả thù lao. Nếu người đó chỉ cần xin phép trước khi sử dụng và không cần thù lao thì được xem là thoả thuận khác.

Tình trạng lấy hình ảnh, tác phẩm không phải của mình làm NFT vẫn diễn ra là do các sàn giao dịch chưa nghiêm ngặt về vấn đề bản quyền. Ví dụ sàn OpenSea cho phép người dùng tự tạo hàng loạt NFT và chỉ phải trả phí khi NFT đó được giao dịch. Đồng thời, người dùng không bị yêu cầu KYC (xác minh danh tính). Vì vậy, họ có thể thoải mái tạo NFT từ những hình ảnh vi phạm, trong khi nạn nhân gặp khó khăn khi muốn gỡ những hình ảnh, nội dung này. Các nền tảng cũng đang triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn việc vi phạm, tuy nhiên vẫn không thể giải quyết một cách triệt để.

Nguy cơ lớn nhất với người mua là có thể vướng vào việc kiện tụng với cá nhân bị xâm hại về hình ảnh sau khi mua NFT. Các sàn giao dịch sẽ từ chối việc rao bán thứ cấp đối với các tác phẩm vi phạm và người mua sẽ phải chịu thiệt hại.

Dennis Tran (Tổng hợp)